50 năm nữa chúng ta sẽ nhìn lại những thước phim quay thành phố mình với cảnh tè đường?

Hoàng Xuân,
Chia sẻ

Những tấm ảnh được chụp lại để cảnh báo cho cộng đồng sẽ là những vết nhơ cho tương lai đứa trẻ khi lớn lên vì nó lan tràn và tồn tại vĩnh viễn trên mạng. Cũng không cần đến 50 năm đâu...

50 năm nữa. Bạn vừa đi làm về. Mệt, trời nóng, công việc cuối năm dồn dập. Sau bữa ăn ngon lành ở nhà, bạn chỉ còn muốn nằm xoải trên sofa và xem một bộ phim nhẹ nhõm.

Không còn những cái TV to vật. Bạn chỉ cần bấm vào một thiết bị cầm tay và làn không khí trong vắt trước mắt bạn sẽ chính là màn hình. Bạn chọn một bộ phim hoài cổ. "Ông bà mình hồi đó nghèo mà bình yên. Chẳng giống cái thời hỗn tạp của tụi con bây giờ đâu", bạn nói với con cái đầy tự hào.

Và năm 2017, hiện ra hình ảnh mờ mờ cảnh một thành phố đông đúc, xe sang chạy như mắc cửi.

Đến trước dinh Thống Nhất, ngay ngã ba quẹo từ Hai Bà Trưng vào Lê Duẩn, bỗng chiếc xe bạn đang ngồi suýt húc vào chiếc xe chạy trước vì tự nhiên nó dừng đứng lại.

Cửa chiếc xe đó bật mở. Một người đàn ông loạng choạng bước ra, luồn lách qua đám đông rồi đến đứng sau thân cổ thụ ngay rìa công viên.

50 năm nữa chúng ta sẽ nhìn lại những thước phim quay thành phố mình với cảnh tè đường? - Ảnh 1.

Những hình ảnh vệ sinh mọi lúc, mọi nơi không hề hiếm gặp trên đường phố

Anh ta đi tiểu tiện!

3h chiều. Giữa trung tâm thành phố từng được mệnh danh là Viên ngọc Viễn Đông. Sát con đường đang ngàn ngạt người xe qua lại.

Chuyển cảnh.

Lần này cũng là qua kính xe hơi đang chạy trên một con đường nào đó, bên phải con đường là một khoảng mặt nước nhỏ, có lẽ là cái ao. Ngay cạnh dải phân cách cứng, một người phụ nữ quần tụt đến nửa đùi, phơi toàn bộ mông trần, đang trong tư thế lom khom để... tiểu tiện xuống mặt đường vì sợ ướt chân.

Một cảnh khác.

Ngay phía sau khu WC sạch sẽ góc công viên Lê Văn Tám trên đường Hai Bà Trưng quận 1. Khoảng 5h chiều. Có một cụm cây nhỏ ở đó, với một hộp bê tông chứa thiết bị gì đó của công viên. Một thanh niên đi ra đó, ngó trước ngó sau, trải một tờ báo lên tấm bê tông, rồi tụt quần và... đại tiện.

Con đường nhỏ trong công viên chạy vòng đến đó là góc vuông, nó lượn cong rồi rẽ về bên trái. Tất cả mọi người đang chạy bộ hay đi dạo trên con đường này đều có thể nhìn rõ mồn một cảnh tượng đó.

Còn những người đàn ông thản nhiên đứng tè chỉ vài chục mét ngay cách nhà vệ sinh (miễn phí, sạch sẽ) thì cứ thỉnh thoảng tôi lại trông thấy.

Cảnh khác nữa.

Bà mẹ khoảng độ tuổi ba mươi và hai đứa con gái ở sân bay, rất gần đó là chiếc máy bay đang đậu yên. Đằng sau, nhiều người đang bước đi vội vã.

Cả hai đứa bé, một khoảng hai ba tuổi, một khoảng bốn năm tuổi, quần tụt xuống đầu gối, mông trần phơi ra giữa ban ngày. Có hai bãi nước sẫm màu dưới chân chúng. Một đứa có lẽ vừa tè xong, đang đứng lên. Đứa kia vẫn còn hành sự. Bà mẹ chúng ngồi ngay cạnh quan sát, trên môi nở nụ cười hồn nhiên tươi như hoa.

50 năm nữa, hiện tại của chúng ta bây giờ sẽ xuất hiện trước mặt thế hệ sau dưới những hình ảnh như vậy.

Tôi có liên tưởng này vì chợt nhớ đến bộ phim Midnight in Paris của Mỹ, mà nhân vật chính đang đi dạo trong con phố lát đá xa xưa bỗng bị rơi vào một nếp gấp thời gian, quay vụt lại nước Pháp cách đó một trăm năm.

Tôi nhớ tôi đã trầm trồ thán phục cảnh những người Pháp đi ăn tối với dạ phục đẹp tuyệt vời, trên cỗ xe song mã sang trọng và dàn nhạc đệm nhè nhẹ trong phòng. Vào thời đó, Việt Nam mình vẫn còn rất nhiều người đi chân đất. Trẻ con bụng ỏng đít teo. Thành phố mới hình thành, gồm những cụm dân cư nho nhỏ giữa mênh mông đồng ruộng, nhà cửa ngoài một ít xây dựng ở nội thành thì chỉ là những mái lều lụp sụp rạ rơm. Trong đời sống đó, vệ sinh đường phố có lẽ là khái niệm cực kỳ xa lạ.

Thế mà không phải. Hầu như trong các văn bản ghi lại thời ấy đều có bóng dáng những ông Cò (cảnh sát) uy nghiêm, miệng ngậm chiếc còi lúc nào cũng sẵn sàng ré lên khi bắt gặp cảnh "vi phạm luật tục", tay thì lăm lăm xấp biên bản. Và đố mà mua chuộc được các ông. Vi phạm á? Rũ tù.

Ông Cò, ông đội Kiểm tục hiện ra dưới mắt người dân oai vệ như thế này:

Hà Nam danh giá nhất ông Cò

Trông thấy ai ai chẳng dám ho

Hai mái trống tung đành chịu dột

Tám giờ chuông đánh phải nằm co

Người quên mất thẻ âu trời cãi

Chó chạy ra đường chủ phải lo

(...)

(Thơ Tú Xương)

Ký ức của chúng ta thời đầu thế kỷ 20 không thể so sánh với nước Pháp kinh đô ánh sáng, với kỷ nguyên vàng của những Picasso, Dali, Hemingway... May thay, chúng ta vẫn có những ông Cò nghiêm khắc phạt người ra đường không mang giấy tùy thân hay chủ chó thả rông cho chó chạy ra ngoài đường, và dĩ nhiên, cả những người "ị" bậy.

Còn chúng ta ngày nay, mỗi phường đều có một đồn công an, nhưng chẳng hiểu do người dân hung hãn hơn, hay do pháp luật nuông chiều và dịu dàng hơn, hoặc do các ông Cò cũng xử sự một cách... mềm mại hơn nên người ta không sợ ông Cò nữa.

Không sợ ông Cò, người ta cũng không sợ xấu, không sợ bẩn, không sợ mất mặt. Khi vệ sinh công khai trên phố, nhất là cho trẻ con, vô vàn lý lẽ đã được đưa ra để bênh vực. Bất chấp hành vi phơi bày cơ thể đứa trẻ lộ liễu giữa đông người luôn luôn là hành vi bị cấm vì nó có thể dẫn đến nguy cơ đứa bé bị quấy rối hoặc xâm hại tình dục. Nhưng "Trẻ con thì biết cái gì mà xấu hổ", "Nước tiểu trẻ con có mùi gì đâu", "Không cho tiểu tiện thì nó vỡ bọng đái ra còn gì".... Và ngụy biện hơn nữa là đánh đồng thực trạng xã hội vào với sự hành xử vô pháp vô thiên: "Xã hội rối tung rối mù thế này thêm một bãi nước tiểu thì ăn thua gì".

Với những lý lẽ kiểu này, có lẽ mỗi người chỉ cần thêm một bãi nước tiểu để chứng minh sự vững chắc của nó.

Những tấm ảnh được chụp lại để cảnh báo cho cộng đồng sẽ là những vết nhơ cho tương lai đứa trẻ khi lớn lên vì nó lan tràn và tồn tại vĩnh viễn trên mạng. Cũng không cần đến 50 năm đâu. Tôi tin khi nhận thức thay đổi, khi hiểu được hành vi của mình là xấu xí và nguy hiểm, nụ cười hồn nhiên trên mặt người phụ nữ trong bức ảnh trên sẽ biến thành cái nhăn nhó xấu hổ cực độ.

Chúng ta vốn tự hào người Việt thông minh, vốn tự hào đất nước ta giàu và đẹp. Vậy thì khi trái đất đã phẳng hơn, những biên giới không còn cao ngất nữa, và cho hẳn thêm 50 năm xông xênh để chúng ta chạy gấp cho bằng thế giới, thì 50 năm nữa, chúng ta chọn cho con cháu mình nhìn lại quê hương với những hình ảnh kể trên, hay hình ảnh nào khác?

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

Chia sẻ