50 năm của TVB và những bộ phim đáng nhớ: Giai đoạn 2003 - 2006

Kim Ngân,
Chia sẻ

Đang trên đà vinh quang của những năm 90, bước vào vào thế kỉ 21 trong muôn trùng khó khăn, thách thức của sức cạnh tranh thị trường và phải đối mặt với tình trạng kẻ đi, người ở, TVB vẫn giữ được vị trí rất riêng cho mình ở thị trường châu Á, nhờ vào những thước phim đỉnh cao giai đoạn 2003 - 2006.

Thâm Cung Nội Chiến (2004)

50 năm của TVB và những bộ phim đáng nhớ: Giai đoạn 2003 - 2006 - Ảnh 1.

Những phim về đề tài cung đấu của TVB từ giai đoạn trước đã được đánh giá rất cao về kịch bản, cách dàn dựng cũng như sự thể hiện của các diễn viên. Tiếp nối thành công đó, Thâm Cung Nội Chiến ra mắt cùng dàn cast nữ tài danh lúc bấy giờ như: Đặng Tụy Văn, Xa Thi Mạn, Lê Tư, Trương Khả Di, Trần Tú Châu…đã tạo nên những câu chuyện cảm động lòng người, khiến người xem phải khắc cốt ghi tâm.

50 năm của TVB và những bộ phim đáng nhớ: Giai đoạn 2003 - 2006 - Ảnh 2.

Đặng Tụy Văn vai Như Phi

Cuộc sống của các mỹ nhân đằng sau Tử Cấm Thành chưa bao giờ là dễ dàng. Dù phú quý, giàu sang, chưa một ngày phải lo nghĩ đến cái ăn, cái mặc, nhưng đời của mỗi người con gái chốn hậu cung là những chuỗi ngày đầy nước mắt. Nói cách khác, đó chính là cuộc chiến không hồi kết của những người phụ nữ, mà dù có trở thành kẻ chiến thắng, thì họ vẫn phải tiếp tục tranh đấu cho đến ngày xuôi tay nhắm mắt chỉ vì mục đích duy nhất - ngôi vị mẫu nghi thiên hạ, chủ nhân hậu cung.

50 năm của TVB và những bộ phim đáng nhớ: Giai đoạn 2003 - 2006 - Ảnh 3.

Lê Tư vai Ngọc Dinh

50 năm của TVB và những bộ phim đáng nhớ: Giai đoạn 2003 - 2006 - Ảnh 4.

Xa Thi Mạn vai Nhĩ Thuần

50 năm của TVB và những bộ phim đáng nhớ: Giai đoạn 2003 - 2006 - Ảnh 5.

Trương Khả Di vai An Xuyến

Và đó, cũng chính là những gì mà các nhân vật của Thâm Cung Nội Chiến đã mang đến cho khán giả. Chúng ta nhìn thấy một Như Phi (Đặng Tụy Văn) thủ đoạn đến độc tài và nham hiểm, nhưng lại thấp thoáng đâu đó hình bóng của cô gái Như Nguyệt trong sáng, yếu đuối cả đáng thương. Mọi người có dịp chứng kiến Ngọc Dinh (Lê Tư) và Nhĩ Thuần (Xa Thi Mạn) từ bạn thành thù, từ những cô gái hiền lành, chân thành đến ngây ngô trở nên người phụ nữ lạnh lùng, lao vào cuộc chiến không lối thoát như loài thiêu thân.

Bên cạnh đó, ta còn xót thương cho nô tì An Xuyến (Trương Khả Di), cô chỉ mong ngày được tự do nhưng lại bị các thế lực trong cung cuốn vào guồng quay tranh đấu đầy đau thương. Chính những cô gái này, đã khéo léo khắc họa một bức tranh với đầy đủ những gam màu sáng - tối về thân phận cay đắng của những người phụ nữ sau lớp cửa Tử Cấm Thành tráng lệ. Đôi lúc, đó không phải là hoàng cung, mà là thứ ngục tù giam hãm tuổi xuân và tình yêu của những con người khao khát được sống là mình để được yêu bằng trái tim nồng nhiệt nhất. Tử Cấm Thành không phải là nơi để yêu thương tồn tại, đó là chốn giết chết tình yêu và ăn mòn lòng trắc ẩn lẫn bản tính lương thiện bên trong những người đàn bà khốn khổ.

Bóng Vua (2005) 

50 năm của TVB và những bộ phim đáng nhớ: Giai đoạn 2003 - 2006 - Ảnh 6.

Bóng Vua cũng là một câu chuyện nói về cuộc sống và con người hoàng tộc, nhưng lại khai thác đan xen nhiều vấn đề khác nhau, xoay quanh nhân vật Cao Thăng do nam diễn viên điển trai Trịnh Thiếu Thu thủ vai.

50 năm của TVB và những bộ phim đáng nhớ: Giai đoạn 2003 - 2006 - Ảnh 7.

Cao Thăng là con người khoáng đạt, nhìn xa trông rộng, văn võ song toàn, tinh thông cả cầm kì thi họa. Tuy nhiên, ông lại thích tĩnh tâm, nhàn rỗi, không bon chen tranh quyền đoạt lợi chốn quan trường nên dù nhiều năm bên cạnh phụng sự vua Ung Chính đến Càn Long (Ngụy Tuấn Kiệt), nhưng Cao Thăng tuyệt nhiên khước từ mọi chức quan vua ban. Vốn là con người tài giỏi, Cao tiên sinh lọt vào mắt xanh của rất nhiều cô gái, nhưng định mệnh đã đưa đẩy cuộc đời người đàn ông tài hoa này gắn liền với Tô Tam (Đặng Tụy Văn) và cung nữ Như Ý (Dương Di).

50 năm của TVB và những bộ phim đáng nhớ: Giai đoạn 2003 - 2006 - Ảnh 8.

Cả ba người đã cùng nhau vượt qua rất nhiều nguy hiểm lẫn khó khăn, có lúc tưởng chừng như phải “máu chảy đầu rơi” khi bên cạnh làm việc cho vị vua có đôi chút ngang tàn. Người xưa có câu “Gần vua như gần hổ”, vì vậy Cao Thăng đã chọn cách rời bỏ hoàng cung để kiếm tìm cho mình một cuộc sống dân dã, bình dị nhưng tự do sau bao biến cố. Cả Tô Tam và Như Ý đều luôn bên cạnh ông, có lẽ họ đã có một kết cuộc viên mãn nhất cho cuộc đời mình.

Ngoài nhân vật Cao Thăng thì nhân vật Tô Tam của Đặng Tụy Văn cũng gây ấn tượng rất mạnh cho khán giả. Đường đường là bà chủ của Vạn Hoa Lâu, nơi được xem như chốn ong bướm nức tiếng Dương Châu nhưng lại mang dáng dấp một người phụ nữ ngoài cứng trong mềm, giàu lòng nhân ái. Tô Tam có rât snhieefu góc khuất trong nội tâm, không ít lần bị hàm oan nhưng đến cuối cùng, cô vẫn nghĩ cho người khác nhiều hơn bản thân mình. Bà chủ kỷ viện như cô chưa một lần nào bắt các cô nương của mình tiếp khách hay chiều lòng đàn ông. Với cô, khách đến Vạn Hoa Lâu chỉ có thể uống rượu và mua tài năng của những người phụ nữ nơi đây.

Bằng Chứng Thép 1 (2006)

50 năm của TVB và những bộ phim đáng nhớ: Giai đoạn 2003 - 2006 - Ảnh 9.

Là phần phim đầu tiên trong series Bằng Chứng Thép của giám chế Mai Tiểu Thanh, phim mang đến những thành công ngoài mong đợi. Dù có rất nhiều tuyến nhân vật khác nhau, nhưng kết cấu phim lại không hề bị rời rạc, đứt quãng mà ngược lại còn rất hợp lý và logic. Đề tài điều tra phá án đã khá quen thuộc với khán giả TVB, tuy nhiên không vì vậy mà “đứa con” của giám chế Mai trở nên nhàm chán. Bằng cách áp dụng những kiến thức kỹ thuật khoa học tân tiến, chuyện phim mang đến cho khán giả một bức tranh chân thực và rõ nét của những con người làm công việc bảo vệ công lý và duy trì trật tự, kỉ cương và công bằng cho xã hội.

50 năm của TVB và những bộ phim đáng nhớ: Giai đoạn 2003 - 2006 - Ảnh 10.
50 năm của TVB và những bộ phim đáng nhớ: Giai đoạn 2003 - 2006 - Ảnh 11.

Công việc của pháp y, pháp chứng và các thành viên trong tổ điều tra nhằm tìm ra chân tướng của ẩn tình bên trong những vụ án chính là chìa khóa mang lại sự hứng thú cho khán giả. Ở thời điểm lúc bấy giờ, rõ ràng chưa có một bộ phim cùng đề tài nào có thể đánh gục được sức hút của Bằng Chứng Thép. Với sự góp mặt của những cái tên đình đám như: Âu Dương Chấn Hoa, Lâm Văn Long, Mông Gia Tuệ, Chung Gia Hân,…bộ phim đã thực sự chiếm được cảm tình rất lớn tại thị trường châu Á. Hơn thế nữa, phần phim này chính là bước đệm tạo tiền đề vững chắc cho toàn series đi vào lòng khán giả. Sắp tới đây, sau nhiều năm im ắng, giám chế Mai Tiểu Thanh hứa hẹn sẽ làm tiếp phần 4 của phim. Hy vọng rằng đó cũng sẽ là một phần phim thành công rực rỡ và được đón nhận như những ngày đầu tiên Bằng Chứng Thép đến với khán giả.

Đáng Mặt Nữ Nhi (2006)

50 năm của TVB và những bộ phim đáng nhớ: Giai đoạn 2003 - 2006 - Ảnh 12.

Giai đoạn này, cái tên Đặng Tụy Văn xuất hiện khá nhiều trong những kế hoạch của TVB. Dù phải đến 3, 4 năm sau, cô mới có được đỉnh cao trong sự nghiệp diễn xuất, nhưng chính khoảng thời gian này mới là lúc cô ghi dấu ấn của riêng mình trong lòng công chúng.

50 năm của TVB và những bộ phim đáng nhớ: Giai đoạn 2003 - 2006 - Ảnh 13.

Đáng Mặt Nữ Nhi là bộ phim Đặng Tụy Văn có nhiều đất diễn thể hiện mình với vai Hilda Hải Kiều - một nữ cường nhân ngoài cứng trong mềm, có thành kiến với đàn ông và là người phụ nữ cố chấp. Ban đầu, cô chỉ muốn có con, chấp nhận trở thành một “single mom” chứ không hề có ý định kết hôn. Tuy nhiên, sau khi trải qua nhiều chuyện và gặp được tình yêu đích thực, Hilda đã hoàn toàn thay đổi suy nghĩ. Sau khi có thai ngoài ý muốn với “oan gia” Văn Cảnh Lương (Tạ Thiên Hoa) và cảm nhận được sự chân thành từ trong con người anh, cô đã mong muốn có riêng cho mình một mái ấm. Trái tim băng giá của Hải Kiều đến cuối cùng đã tìm được một bến đỗ.

50 năm của TVB và những bộ phim đáng nhớ: Giai đoạn 2003 - 2006 - Ảnh 14.

Song song đó, là chuyện tình đầy sóng gió cặp đôi chị em Cao Chí Linh (Ngô Mỹ Hành) và Tề Khoan (Lâm Phong). Tình yêu của họ có thể được ví như bản tình ca khi bình lặng lúc lại có những nốt thăng, nốt giáng vô chừng. Đây là bộ phim mang đến cho lớp diễn viên trẻ rất nhiều cơ hội để thể hiện năng lực bản thân và đến gần hơn với khán giả. Dù hàm chứa nhiều thông điệp sâu sắc nhưng cách truyền tải lại vô cùng nhẹ nhàng, trực tiếp, tạo cho người xem cảm giác vô cùng thoải mái và dễ chịu.

Sau giai đoạn 2003 - 2006, nhà đài xứ Cảng bắt đầu có sự thay đổi đáng kể về nhân lực. Điều này đã ảnh hưởng khá lớn đến chất lượng phim, nhưng dù vậy, ở giai đoạn sau, đài vẫn luôn cố gắng hoàn thiện mình để tiếp tục cống hiến cho khán giả những thước phim chất lượng.

Chia sẻ