5 thí nghiệm tàn nhẫn đến rơi nước mắt trên động vật vẫn đang diễn ra mỗi ngày

J.D,
Chia sẻ

Thí nghiệm trên động vật là một vấn đề gây tranh cãi rất nhiều, nhất là về cách con người thực hiện chúng.

Nên hay không nên thực hiện thí nghiệm trên động vật? Đây là chủ đề đã gây tranh cãi trong xã hội từ nhiều năm qua. 

Chúng ta chẳng thể phủ nhận một điều rằng xã hội con người phát triển được như ngày nay một phần là nhờ các thí nghiệm trên động vật. Tuy nhiên, cách con người đối xử với các loài vật khi thí nghiệm lại khiến các tổ chức bảo vệ động vật cảm thấy phẫn nộ, trong đó có PETA - một trong những tổ chức bảo vệ động vật lớn nhất trên thế giới.

 - Ảnh 1.

Bản thân sự tồn tại và cách hoạt động của PETA cũng từng gây ra nhiều tranh cãi, nhưng điều họ làm tốt là đưa ra được những con số bám sát vào thực tế, như việc mỗi năm có ít nhất 100 triệu sinh vật phải bỏ mạng trong các phòng thí nghiệm chẳng hạn.

Và dưới đây là những thí nghiệm theo PETA là hết sức tàn nhẫn mà vẫn đang xảy ra mỗi ngày.

1. Trung tâm nghiên cứu thịt Hoa Kỳ

Năm 2015, các trung tâm bảo vệ quyền động vật đã đưa những bản báo cáo về việc Trung tâm nghiên cứu Thịt Hoa Kỳ (MARC) thực hiện vô số thí nghiệm tàn nhẫn lên động vật.

Về cơ bản, nhiệm vụ của MARC là nghiên cứu để sản xuất gia súc phục vụ cho công nghiệp giết mổ, nên họ được phép thực hiện thí nghiệm lên động vật. Tuy nhiên theo bản báo cáo, cách đối xử của họ với động vật dùng để nghiên cứu được đánh giá là hết sức tàn nhẫn: các sinh vật đáng thương bị bỏ đói, sống trong môi trường chật chội, kém vệ sinh, khiến tuổi thọ giảm nghiêm trọng.

 - Ảnh 2.

Tin tốt là trước bằng chứng không thể chối cãi, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) đã lập tức ra quết định đình chỉ tất cả các thí nghiệm mới trong khu nghiên cứu của MARC. Tuy nhiên theo báo cáo gần đây của PETA, các nghiên cứu tàn nhẫn vẫn đang tiếp diễn, nhờ vào một hình thức lách luật cực "khéo" của phòng thí nghiệm này.

 - Ảnh 3.

Cụ thể thì theo Luật bảo vệ quyền lợi động vật liên bang Mỹ, những loài chăn nuôi được dùng trong thí nghiệm liên quan đến nông nghiệp sẽ không được định nghĩa là "động vật", mà chỉ là "đối tượng thí nghiệm." Hay nói cách khác, các loài vật dùng trong nghiên cứu của MARC thậm chí còn không nhận được quyền bảo vệ tối thiểu mà loài người dành cho chúng, phải chịu đựng sự đối xử tàn nhẫn mà không cách nào thay đổi.

2. Thí nghiệm trên khỉ

Theo số liệu của PETA thì mỗi năm, có khoảng 100.000 con khỉ được đưa vào các thí nghiệm trên toàn Hoa Kỳ. Trong đó, hàng ngàn con được nhập khẩu từ ngoài quốc gia. Một số bị bắt từ trong rừng, tách khỏi bầy đàn, bị nhồi vào trong những chiếc chuồng chật hẹp rồi đưa đi qua máy bay hoặc tàu thủy.

 - Ảnh 4.

Rất nhiều con chết trên đường vì không được cho ăn uống đầy đủ trong suốt hành trình kéo dài 2 - 3 ngày không nghỉ. Những con sống sót thì phải sống cõi đời còn lại trong phòng thí nghiệm. Thậm chí, có những con khỉ còn chẳng bao giờ được tận hưởng cuộc sống tự do ngoài thiên nhiên, vì chúng sinh ra ngay trong phòng thí nghiệm rồi.

Số phận của những con khỉ bị thí nghiệm ấy sẽ ra sao? Không phủ nhận có những nghiên cứu mang tính cần thiết cao, nhưng thực tế cho thấy chúng phải chịu đựng rất nhiều đau đớn từ những thí nghiệm không liên quan. Một số phòng thí nghiệm còn bỏ đói khỉ, bắt chúng sống trong kìm kẹp, buộc phải lây nhiễm các loại bệnh và thử nghiệm một đống thuốc kèm hóa chất.

Và sau cùng, những sinh vật đáng thương ấy sẽ bị loại bỏ, thông qua hình thức "chết nhân đạo".

3. Thí nghiệm tình dục trên động vật

Theo PETA, hiện tại có nhiều tổ chức đang thực hiện các thí nghiệm liên quan đến đời sống tình dục của động vật. Mục đích của những thí nghiệm dạng này không phải cho vui, mà nhằm tìm ra khu vực chịu trách nhiệm cho khoái cảm tình dục của động vật, và từ đó áp dụng cho con người. 

Tuy nhiên, các hình thức thí nghiệm thì gây ra nhiều tranh cãi, với chuột là những ví dụ điển hình nhất. Chúng bị lột toàn bộ da trên bộ phận sinh dục, sau đó đấu các điện cực vào đó để xem mức độ phản ứng như thế nào, hoặc xét phản ứng với những hóa chất khác nhau. Đa số chuột đực sau khi kết thúc thí nghiệm sẽ chết, để lại "của quý" cho con người mổ xẻ.

Trong một số thí nghiệm khác, chuột cái sẽ bị khóa chặt, khoan một lỗ trên hộp sọ và phá hủy một phần não bộ. Sau đó, con cái sẽ được cho ngửi nước tiểu của chuột đực - từ những con chuột bình thường hoặc đã bị triệt sản - để kiểm tra phản ứng. 

Mục đích thì như đã nêu, là để kiểm tra các khu vực não bộ chuột phản ứng thế nào trước kích thích tố từ con đực. Và khi kết thúc thí nghiệm, tất cả số chuột này sẽ bị tiêu hủy, để lại bộ não nhằm phục vụ nghiên cứu. 

4. Huấn luyện trong quân đội

Theo số liệu của PETA, mỗi năm có 10.000 động vật sống tại Hoa Kỳ bị bắn, bị đâm chém, mổ xẻ và sát hại nhằm phục vụ quá trình huấn luyện trong quân đội.

 - Ảnh 6.

Trước kia, PETA đã từng thực hiện một vài video liên quan đến quá trình này, trong đó có đoạn phim về cảnh một con dê bị cắt chân, rút nội tạng khi còn sống nhằm huấn luyện sơ cứu cho quân y. Sau khi công bố video, bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ USDA đã lập tức lên tiếng, yêu cầu các đơn vị phải đảm bảo tính nhân văn khi thực hành huấn luyện trong quân đội.

Dẫu vậy, những bài tập tương tự vẫn xuất hiện mà không có dấu hiệu giảm bớt. Mỉa mai thay, ngay cả trong các bài tập sơ cứu thì các con vật cũng không thể sống sót, mà thường mất máu đến chết. 

5. Thí nghiệm khói thuốc

Thuốc lá có hại cho sức khỏe con người như thế nào có lẽ ai cũng biết. Tuy nhiên, một số công ty thuốc lá tại Hoa Kỳ lại muốn chứng minh điều ngược lại, bằng những thí nghiệm cho động vật hút thuốc.

 - Ảnh 7.

PETA nêu đích danh R.J. Reynolds và Philip Morris International - 2 tập đoàn thuốc lá khổng lồ đang làm điều này. Họ cho các loài vật như khỉ, chó, mèo, gia súc... hút thuốc hàng ngày, bơm thẳng khói thuốc vào mũi chúng hàng giờ liền. Hệ quả, da của chúng bị tổn hại nghiêm trọng, lông rụng hết, mắt đỏ ngầu, và bắt đầu có dấu hiệu ho. Nhưng ung thư thì không, và họ cho rằng điều này chứng minh khói thuốc không liên quan đến ung thư.

Tuy vậy, các nhà khoa học cho rằng thí nghiệm như vậy không có ý nghĩa gì cả. Các loài vật thực chất có phản ứng rất khác con người đối với các hóa chất độc hại trong khói thuốc, vậy nên việc ung thư không xuất hiện ở động vật không có nghĩa là con người cũng vậy.

 - Ảnh 8.

Và ngoài ra, khoa học thực chất có nhiều phương pháp khác để thử nghiệm tính độc hại của thuốc lá mà không cần đến động vật. Vậy mà, các thí nghiệm như vậy vẫn tồn tại, khiến nhiều sinh linh phải chịu đựng hết sức khổ sở.

Tham khảo: PETA, NYTimes...
Chia sẻ