5 lầm tưởng về những điều an toàn và không an toàn khi cho con bú

Huyền Nguyễn,
Chia sẻ

Nếu bạn đang cho con bú, bạn cảm thấy lo lắng liệu một số thuốc như thuốc giảm đau, cà phê có ảnh hưởng đến việc tiết sữa hay không? Câu trả lời sẽ có trong bài viết dưới đây.

Cùng tìm hiểu những lầm tưởng phổ biến mà các mẹ sữa thường mắc phải:

1. Lầm tưởng 1: Bạn nên ngừng dùng sản phẩm lăn khử mùi

Sự thật là: Có thể bạn từng nghe nói tới nhôm, thành phần chống chảy mồ hôi có trong sản phẩm lăn khử mùi độc hại với mô ngực và sữa mẹ. Mặc dù bạn luôn có thể chọn loại lăn khử mùi không chứa nhôm nhưng sự cẩn trọng này trên thực tế lại không cần thiết.

"Không có bằng chứng cho thấy một người mẹ đang cho con bú không nên sử dụng sản phẩm chống tiết nhiều mồ hôi", Aimee Abu-Shamsieh, bác sĩ, trợ giảng khoa nhi tại Trung tâm giáo dục y tế UCSF Fresno, cho hay: "Phần lớn tiếp xúc của bạn với nhôm bắt nguồn từ thực phẩm, chứ không phải sản phẩm chăm sóc da và hiếm khi chúng tác động được tới sữa mẹ".

5 lầm tưởng về những điều an toàn và không an toàn khi cho con bú - Ảnh 1.

Mẹ không nên chịu đau mà không dùng thuốc chỉ vì lo lắng thuốc ảnh hưởng đến sữa mẹ (Ảnh minh họa).

Tuy nhiên, bạn có thể xem xét đổi sang loại không mùi bởi vì trẻ sơ sinh nhạy cảm với mùi nên nếu bạn sử dụng sản phẩm có mùi đậm đặc trên hoặc gần núm vú – bao gồm cả lăn khử mùi hay sữa tắm - đều có thể khiến bé hoang mang. Đây có thể là vấn đề đặc biệt với loại lăn khử mùi dạng xịt bởi vì nó có thể phủ lên ngực và tạo ra mùi khó chịu cho bé.

2. Lầm tưởng 2: Bạn không nên dùng bất cứ loại thuốc giảm đau nào

Sự thật là: Thuốc giảm đau và thuốc hạ sốt như ibuprofen, acetaminophen và naproxen nhìn chung đều có thể dùng cho phụ nữ đang cho con bú – theo báo cáo của Viện Nhi khoa Mỹ (AAP).

Chỉ có 2 loại thuốc tốt nhất mẹ sữa nên tránh: thuốc làm thông mũi có thể gây giảm tiết sữa mẹ và thuốc kháng histamin khiến bạn mệt mỏi.

Với bất cứ loại thuốc nào định dùng, bạn nên kiểm tra với bác sĩ trước. Ngay cả với loại được coi là an toàn cho mẹ sữa, thận trọng cũng không thừa. Bác sĩ Hari Cheryl Sachs, tác giả bản báo cáo trên của AAP khuyên: "Sử dụng liều thấp nhất, đủ để mang lại hiệu quả của thuốc trong khoảng thời gian ngắn nhất có thể".

3. Lầm tưởng 3: Bạn không nên uống cà phê

Sự thật là: Sau một đêm mệt mỏi chăm con, đừng lo sợ việc rót cho mình một ly cà phê và thêm một ly nữa. Bác sĩ Abu-Shamsieh giải thích: "Nghiên cứu chỉ ra rằng, lượng caffeine mà em bé có thể hấp thụ được chỉ chiềm 1 phần rất nhỏ trong số những thứ bạn uống".

Tuy nhiên, chỉ nên dùng 1-3 phần cà phê/ngày. Sử dụng lượng nhiều hơn (5 cốc, mỗi cốc tầm 177ml, hoặc nhiều hơn 5 cốc), caffein trong sữa mẹ có thể tích tụ trong cơ thể bé, khiến bé khó ngủ, trằn trọc và khó chịu.

4. Lầm tưởng 4: Bạn nên cắt giảm lượng calo hấp thụ để giảm số cân nặng do mang thai

Sự thật là: Cho con bú giúp đốt cháy thêm 500 calo nữa mỗi ngày. Như vậy là đủ để nhiều mẹ sữa trở lại cân nặng trước khi mang thai. Ngay cả khi bạn nôn nóng muốn giảm cân nhanh hơn, hãy đảm bảo rằng bạn ăn ít nhất 1.800 calo/ngày và các bữa ăn đảm bảo cân bằng dinh dưỡng (chứa nhiều chất béo tốt cho sức khỏe như các loại hạt, trái bơ, thêm trái cây, rau, cây họ đậu đỗ và thịt nạc).

5 lầm tưởng về những điều an toàn và không an toàn khi cho con bú - Ảnh 2.

Khi cho con bú, mẹ vẫn phải đảm bảo nạp đủ lượng calo cần thiết cho cơ thể (Ảnh minh họa).

Tốt nhất là chờ đợi để bắt đầu kế hoạch ăn kiêng cho tới khoảng 2 tháng sau sinh. Lúc này, nguồn sữa của bạn đã ổn định và về mặt thể chất, bạn đã hồi phục hoàn toàn. Cách tốt nhất để biết liệu bạn có đang hấp thụ đủ lượng calo cần thiết khi cho con bú hay không là lắng nghe cơ thể và ăn khi cảm thấy đói.

5. Lầm tưởng 5: Bạn có thể uống đồ uống có cồn, chỉ cần hút sữa ra và bỏ đi

Sự thật là: Bạn có thể không muốn từ bỏ rượu trong thời gian cho con bú. Nhưng một lượng nhỏ đồ uống có cồn thực sự ngấm vào trong sữa mẹ, làm thay đổi vị sữa và khiến cho bé quen với vị rượu. Julie Mennella, chuyên gia tại Monell Chemical Senses Center (Philadelphia, Mỹ), cho biết đồ uống có cồn còn làm giảm tiết sữa.

Tệ hơn nữa, nó còn là chất độc với thần kinh, có thể ảnh hưởng tới sự phát triển não bộ của trẻ sơ sinh, theo tiết lộ của bác sĩ Laura Riley, phụ trách việc đỡ đẻ và sinh nở tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts (Đông Bắc Hoa Kỳ). Đó là lý do tại sao cô luôn khuyên các bà mẹ không uống rượu bia nếu cho con bú. "Dữ liệu về mức độ an toàn chưa thật rõ ràng và cơ thể mỗi người có cách phân giải rượu khác nhau. Không có cách nào biết được em bé của bạn hấp thụ bao nhiêu đồ uống có cồn từ bạn".

Hút sữa và đổ đi khi bạn uống rượu bia cũng chưa được khoa học chứng minh là việc nên làm.

Nguồn: Parent

Chia sẻ