4.3 triệu người Việt có thể đã mắc bệnh này nhưng chưa được chẩn đoán

Bài, ảnh: Hoàng Lê,
Chia sẻ

Ước tính số lượng bệnh nhân bị suy giáp chưa được chẩn đoán ở Việt Nam là 4.3 triệu người nhưng chỉ có 2.4% được điều trị.

Bệnh lý tuyến giáp là thuật ngữ chung để chỉ hàng loạt bệnh lý, rối loạn nội tiết tố liên quan đến tuyến giáp. Trong cơ thể, tuyến giáp là bộ phận hình như cánh bướm, nằm ở phía trước cổ và có vai trò tiết hormone, điều hòa nhiều hoạt động trao đổi chất. Những bất thường ở tuyến giáp sẽ khiến lượng hormone tiết ra quá ít hoặc quá nhiều, dẫn đến nhiều căn bệnh liên quan.

4.3 triệu người Việt có thể đã mắc bệnh này nhưng chưa được chẩn đoán - Ảnh 1.

Đại diện Hội Tim Mạch học Việt Nam cung cấp các kiến thức xoay quanh các bệnh lý liên quan đến tim mạch, huyết và tuyến giáp.

4.3 triệu người Việt chưa được chẩn đoán suy giáp

Thống kê của GS.TS.BS Nguyễn Khánh Dư, hàng năm chỉ có khoảng 115.000 người được khám và chữa bệnh bướu cổ. Về bệnh suy tuyến giáp trạng, uớc tính số lượng bệnh nhân suy giáp chưa được chẩn đoán ở Việt Nam là 4.3 triệu người nhưng chỉ có 2.4% được điều trị.

Báo cáo của TS.BS. Phan Hướng Dương – Phó giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung Ương nêu rõ, dù chưa có điều tra nhưng những năm gần đây bệnh lý tuyến giáp như bướu nhân, ung thư tuyến giáp, viêm tuyến giáp và Basedow đến khám và điều trị tại bệnh viện này ngày càng tăng. Số lượng bệnh nhân phẫu thuật tuyến giáp tại bệnh viện hơn gấp đôi từ năm 2013 (3,481 bệnh nhân) đến 2016 (7,105 bệnh nhân). Con số này trong 6 tháng đầu 2017 là 3,408 bệnh nhân.

Theo cổng thông tin dành cho cán bộ y tế và bệnh nhân do Hội Tim Mạch học Việt Nam chịu trách nhiệm nội dung, bệnh tuyến giáp có thể được chia ra làm 3 nhóm chính:

Cường giáp trạng: Xảy ra khi tuyến giáp tiết quá nhiều hormone, vượt ngoài nhu cầu sử dụng của cơ thể. Nguyên nhân có thể là do bệnh Basedow, bướu độc ở tuyến giáp, viêm tuyến giáp bán cấp.

Suy giáp trạng: xảy ra khi tuyến giáp tiết quá ít hormone khiến cơ thể không đủ năng lượng hoạt động. Nguyên nhân có thể là viêm tuyến giáp Hashimoto, viêm tuyến giáp cấp tính hoặc từng phẫu thuật tuyến giáp.

Ung thư tuyến giáp: Chỉ chiếm khoảng 5% số trường hợp bướu tuyến giáp và phổ biến ở phụ nữ hơn là nam giới.

Chứng bệnh phải điều trị suốt đời

Bác sĩ Trần Công Quyền, Trưởng khoa Ngoại lồng ngực - Mạch máu - Bướu cổ Bệnh viện Bình Dân (TP.HCM) cho biết, bệnh lý suy tuyến giáp có hai loại: Suy giáp bẩm sinh (tiên phát) và suy giáp sau điều trị.

Suy giáp bẩm sinh thường do viêm giáp (thường là bệnh do tự miễn) và thiếu i-ốt.

4.3 triệu người Việt có thể đã mắc bệnh này nhưng chưa được chẩn đoán - Ảnh 2.

Khoa Ngoại lồng ngực - Mạch máu - Bướu cổ Bệnh viện Bình Dân là một trong những nơi điều trị bệnh lý liên quan đến tuyến giáp tin cậy.

"Suy giáp bẩm sinh cần được phát hiện sớm khi trẻ mới ra đời để can thiệp ngay từ đầu, vì hoc-môn tuyến giáp cần cho sự phát triển của não. Khi thấy một đứa bé sinh ra có bướu giáp hay chậm phát triển về tâm thần thì phải đi xét nghiệm ngay. Kết quả điều trị thường không tốt vì giáp đã suy trong bào thai. Thời gian điều trị tùy vào diễn tiến lâm sàng, thường từ 6 tháng đến 1 năm và có thể kéo dài suốt đời" - Bác sĩ Quyền phân tích.

Một điều may mắn là chi phí điều trị căn bệnh này tương đối dễ chịu. Thuốc cải thiện hormone giá thành khá rẻ, chỉ khoảng 500 đồng/viên.

Tại BV Bình Dân, bệnh nhân suy giáp sau khi điều trị chiếm đa số. Phổ biến là các bệnh nhân vì một lý do nào đó phải mổ cắt tuyến giáp dẫn đến suy giáp vì thiếu hormone. Với những bệnh nhân này, cách điều trị là sử dụng thuốc suốt đời.

4.3 triệu người Việt có thể đã mắc bệnh này nhưng chưa được chẩn đoán - Ảnh 3.

Bệnh nhân suy giáp thường phải điều trị suốt đời.

"Thời gian suy giáp nếu để kéo dài từ 1-2 năm sẽ bắt đầu ảnh hưởng đến trí tuệ, chuyển hóa trong cơ thể, giảm chức năng gan thận, tạo máu ở tùy xương và chức năng vận động bệnh nhân. Do đó, nên điều trị sớm để tránh để lại di chứng" - Bác sĩ Quyền cảnh báo.

Triệu chứng của suy giáp thường biểu hiện trên chức năng thần kinh, chức năng vận động cơ, chức năng tình dục. Với phụ nữ là kinh nguyệt không đều và khả năng sinh sản. Rõ nhất là triệu chứng phù niêm, suy tim do suy giáp. Ngoài ra còn một số dấu hiệu như đau nhức tay chân, cơ thể phù nề, giữ nước, táo bón, đổ mồ hôi nhiều, kiệt sức...

Bác sĩ khuyên người dân, cách phòng chống chứng bệnh này là ăn muối i-ốt và tránh chất phóng xạ. Đặc biệt với phụ nữ mang thai và trong độ tuổi sinh sản, chống chỉ định dùng chất phóng xạ để điều trị những bệnh khác (như ung thư cổ tử cung).

4.3 triệu người Việt có thể đã mắc bệnh này nhưng chưa được chẩn đoán - Ảnh 4.

Ngoài điều trị theo chỉ định của bác sĩ, bệnh nhân cần sống lành mạnh, nói không với thuốc lá.

Để điều trị các bệnh lý về tuyến giáp nói chung thường có các phương pháp phổ biến là dùng thuốc, xạ trị bằng i-ốt phóng xạ (nếu dùng thuốc không hiệu quả). Trong trường hợp đặc biệt, bệnh nhân sẽ được phẫu thuật một phần hoặc toàn bộ tuyến giáp.

Bên cạnh những cách trên, người bệnh nên nói không với thuốc lá, chất cấm, xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp, tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ để góp phần tăng hiệu quả điều trị bệnh tuyến giáp.

Chia sẻ