4 lợi ích đặc biệt của ngày "đèn đỏ" với chị em

BS. Hoa Hồng,
Chia sẻ

Những ngày "đèn đỏ" có thể khiến bạn khó chịu nhưng lại thực sự cần thiết cho sức khỏe vì nó có tác dụng thúc đẩy sự tái tạo máu, giảm tải tình trạng dư thừa sắt trong cơ thể.

Thưa bác sĩ, em năm nay 24 tuổi và là một trong những phụ nữ phải đối mặt với những khó chịu trong những ngày có kinh nguyệt hàng tháng. Cứ đến những ngày này là em lại đau bụng quằn quại, đau lưng, chóng mặt, buồn nôn, thậm chí cả sốt... Em thấy rất mệt mỏi khi tháng nào cũng phải chịu cái cảm giác đó. Nhiều lúc em nghĩ giá như không có những ngày "đèn đỏ" thì tốt biết mấy, như thế sẽ đỡ mệt hơn rất nhiều.

Thế nhưng các chị cũng cơ quan em lại bảo, kinh nguyệt là một phần không thể thiếu của người phụ nữ và nó cũng có tác dụng tốt cho sức khỏe phụ nữ. Em nghĩ, nếu đúng là có tác dụng thì chỉ là với những chị em không bị đau bụng, đau đầu, mệt mỏi thôi. Còn với những người khác, những ngày này vừa mất máu, vừa mệt thì càng hại sức khỏe mới đúng. 

Bác sĩ cho em hỏi liệu ngày "đèn đỏ" có thực sự tốt cho sức khỏe chị em hay không? Và em có nên can thiệp để kéo dài chu kì "đèn đỏ" 2 tháng/lần cho đỡ mệt không? Em xin cảm ơn! (Lê Nghi)

4 lợi ích đặc biệt của ngày
Ảnh minh họa

BS. Hoa Hồng tư vấn:

Bạn Lê Nghi thân mến,

Đúng là có nhiều lý do khiến chị em không hề thích ngày "đèn đỏ", ví dụ như: nó khiến chị em gặp bất tiện trong việc chọn trang phục, không được tự do thoải mái đi lại... Đặc biệt, các triệu chứng tiền kinh nguyệt mà một số chị em gặp phải (như đau đầu, đau bụng, đau lưng, chóng mặt, buồn nôn, hoa mắt...) càng khiến chị em mệt mỏi và vô cùng khó chịu với những ngày này.

Tuy nhiên, chu kì kinh nguyệt đúng là một phần không thể thiếu của người phụ nữ, vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng sinh sản và có tác động gián tiếp đến sức khỏe nói chung của người phụ nữ. Nếu chu kì kinh nguyệt không ổn định, có nhiều trục trặc... thì rất có thể sẽ khiến chị em gặp khó khăn trong chuyện rụng trứng, thụ thai và có con.

Những dấu hiệu bạn gặp trong các kì kinh nguyệt là những triệu chứng của hội chứng tiền kinh nguyệt. Đó là do các niêm mạc tử cung tắc lại bên trong tử cung và gây ra những khó chịu nói trên. Tùy từng cơ địa mỗi người mà có chị em gặp phải các triệu chứng này, có chị em gặp triệu chứng khác hoặc không bị làm sao.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận một điều là chu kì kinh nguyệt cũng có những lợi ích với sức khỏe phụ nữ. Thứ nhất, nó chính là dấu hiệu để chị em sớm nhận ra mình có mang bầu hay không. Trong thời gian có thai, người phụ nữ sẽ tạm thời bị tắt kinh. Có thể thỉnh thoảng chị em thấy có ra một chút máu khi đang mang thai nhưng đó không phải là kinh nguyệt mà là sản dịch còn sót lại chảy ra mà thôi.

4 lợi ích đặc biệt của ngày
Ảnh minh họa

Thứ hai, kinh nguyệt còn là dấu hiệu giúp chị em sớm phát hiện bệnh tật. Nếu rơi vào tình trạng qua tuổi 18 mà vẫn không có kinh nguyệt, hoặc đã từng có kinh nguyệt trước đây đột nhiên mất kinh hơn 3 tháng (không do nguyên nhân mang thai, mãn kinh hay cho con bú) thì chị em cần đi khám sức khỏe sinh sản ngay vì đó có thể là dấu hiệu cảnh báo trục trặc ở chức năng sinh sản của người phụ nữ.

Thứ ba, giảm tải được tình trạng dư thừa sắt trong cơ thể. Trong những ngày có kinh, lượng máu mất đi đồng nghĩa với việc một lượng sắt nhất định đã được thải ra ngoài cơ thể. Chính bởi vậy nên lượng máu được thải ra trong thời kỳ kinh nguyệt có tác dụng làm tiêu hao lượng sắt dư thừa và cân bằng chất sắt trong cơ thể. Tuy nhiên, nó cũng có thể là nguyên nhân khiến chị em bị thiếu máu nếu lượng máu mất đi quá nhiều. Vì vậy, chị em phải bổ sung lượng sắt mới cho cơ thể bằng cách ăn nhiều các thực phẩm chứa sắt như thịt bò...

Thứ tư, thúc đẩy quá trình tái tạo máu. Kinh nguyệt có ảnh hưởng tới quá trình bài tiết và tạo máu, làm cho hệ thống tuần hoàn và hệ thống máu trở nên linh hoạt, tạo ra lượng máu mới để bổ sung cho lượng máu kinh đã mất.

Khi đã hiểu được vai trò của "đèn đỏ" với sức khỏe của mình, chắc chắn bạn sẽ không muốn kéo dài chu kì kinh nguyệt lên 2 tháng/lần. Điều này không tốt cho bạn bởi nó sẽ gây ra rối loạn chu kì kinh nguyệt, ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản của bạn về sau này.

Chúc bạn vui khỏe!


Nếu bạn đọc có những thắc mắc về sức khỏe tâm sinh lý giới tính cần được tư vấn xin gửi về email: suckhoe@afamily.vn




Một tháng chỉ có vài ngày thôi nhưng với nhiều người những ngày "đèn đỏ" lại vô cùng rắc rối. Hãy cùng xem rắc rối ở đâu nhé
4 lợi ích đặc biệt của ngày
Chia sẻ