1001 điều sinh viên cần biết về môi trường làm việc trong các công ty khởi nghiệp để chọn vị trí phù hợp

Quiry,
Chia sẻ

Khi hiểu rõ về hai mô hình này, chúng ta mới có thể xác định mình hợp với môi trường nào.

Nhiều bạn trẻ vẫn suy nghĩ sai lầm, cho rằng đã là nơi làm việc thì đâu mà chẳng giống nhau. Nhưng trên thực tế, có rất nhiều sự khác biệt trong cách vận hành công việc của công ty và start-up. Có người phát triển rất nhanh ở môi trường tập đoàn nhưng khi sang start-up thì lập tức gặp bế tắc và ngược lại. Vậy hãy cùng đi tìm hiểu về căn bản môi trường làm việc của hai bên để xem mình thích nghi được ở đâu nhé!

Công ty lớn và start-up: Bạn chọn sự quy trình hay chọn sự thách thức?

Với những bạn sinh viên mới ra trường ứng tuyển vào các công ty, tập đoàn lớn, công việc của bạn sẽ khá rõ ràng và chi tiết. Cụ thể là nó được ghi ở trong bản thông tin công việc (JD). Còn đối với start-up, bạn khó để có thể nắm bắt toàn bộ mình sẽ làm gì thời gian sắp tới. Trong khi với công ty lớn, bạn thường thực hiện công việc có sẵn và duy trì nó ở mức ổn định thì với start-up, bạn phải phát triển một sản phẩm nào đó mang tính xu hướng hợp thời và cải tiến. Quy mô công ty cũng là sự khác biệt, trong khi start-up thường có ít hơn 80 người thì các tập đoàn lớn có thể sở hữu khoảng vài ngàn nhân sự.

1001 những điều sinh viên cần biết về làm việc trong start-up và công ty lớn để chọn việc cho phù hợp - Ảnh 1.

Nên chọn start-up hay tập đoàn lớn?

Khi làm việc trong start-up, trách nhiệm của bạn sẽ được thay đổi thường xuyên. Trong tầm nửa năm thôi bạn đã có thể thay đổi tác vụ và làm một việc mới hoàn toàn. Đối với công ty lớn, bạn sẽ làm một nhiệm vụ trong suốt nhiều năm cho đến khi cấp trên của bạn nghỉ việc hoặc về hưu thì may ra mới thay đổi. Như vậy, làm ở môi trường start-up sẽ giúp cho chúng ta biết thêm nhiều kiến thức mới, điều mà ở công ty lớn bạn khó có thể tiếp thu. Bởi những nhiệm vụ mới ở công ty đã do một đội ngũ khác đảm nhiệm. Xuất phát từ việc start-up ít nhân viên nên cũng dễ hiểu khi cái gì bạn cũng phải động tay vào!

Ở start-up, bạn nhất định phải tự giải quyết vấn đề. Trong công ty bất cứ khi nào có vấn đề phát sinh, nó sẽ được giải quyết bởi nhóm người với bộ kỹ năng cụ thể đó. Bạn mà động vào việc của họ thì sẽ khiến họ khó chịu và tức giận! Ngược lại, trong môi trường start-up, mọi người đánh giá cao việc bạn hăng hái tham gia giải quyết vấn đề. Đối với môi trường start-up, sinh viên cũng được thử nghiệm nhiều hơn. Sếp lẫn đồng nghiệp đều khuyến khích bạn học hỏi thật nhiều kỹ năng ABC XYZ nào đó để trở thành một nhân viên đa năng.

1001 những điều sinh viên cần biết về làm việc trong start-up và công ty lớn để chọn việc cho phù hợp - Ảnh 2.

Công ty, tập đoàn lớn là mô hình kinh doanh được lên hệ thống quy củ và bài bản.

Cuối cùng, khi bạn lựa chọn làm việc ở start-up, đồng nghĩa với việc bạn không bị làm việc dưới sự chỉ đạo điều hành quá khắt khe như ở công ty, tập đoàn. Đơn giản thôi, ở tập đoàn họ đã xây dựng cơ cấu chính sách từ rất lâu và phải thực hiện chúng nghiêm chỉnh. Còn start-up thì ngay chính sếp bạn cũng quá bận rộn để kiểm soát và quản lý tất cả mọi thứ. Điều này đặt ra thách thức với bạn là phải nghiêm khắc với chính bản thân mình thì mới có thể phát triển được.

Nếu lựa chọn làm việc cho start-up, con đường sự nghiệp của bạn sẽ thay đổi như thế nào?

Với một nhân viên trong công ty khởi nghiệp, điều cốt lõi mà bạn làm chính là tạo ra sản phẩm và bán nó. Nếu bạn là người muốn tiếp thu thật nhiều tác vụ để học thêm kỹ năng về chúng thì môi trường start-up rất chào đón bạn. Đừng bao giờ ngại ngần về việc "Chắc mình không làm nổi đâu!" mà hãy cứ mạnh dạn để thử. Start-up chính là nơi bạn được thử mà, biết đâu sẽ có ngày một người sáng tạo nội dung lại có thể viết code web?

1001 những điều sinh viên cần biết về làm việc trong start-up và công ty lớn để chọn việc cho phù hợp - Ảnh 3.

Ở start-up, bạn sẽ có cơ hội được học hỏi và trải nghiệm ở đa dạng các tác vụ.

Trong mọi doanh nghiệp sẽ tồn tại khái niệm khách hàng, sản phẩm, dữ liệu và thách thức. Bằng cách làm việc tại một công ty khởi nghiệp, bạn sẽ học được cách khiến những mảnh ghép này khớp với nhau và sẵn sàng áp dụng kiến thức đó ở bất cứ đâu. Bất kể những gì bạn đang làm việc hàng ngày, bạn sẽ liên tục tương tác với những người có vai trò chức năng khác, và những kỹ năng này sẽ giúp bạn làm tốt hơn cũng như hiểu rõ hơn về cách thức kinh doanh được xây dựng.

Vậy hỡi các bạn sinh viên trẻ giàu nhiệt huyết và đam mê, bạn chọn start-up hay công ty lớn để phát triển nhỉ?

Chia sẻ