10 hiện tượng bình thường của trẻ sơ sinh khiến bố mẹ "thót tim"

Mẹ Sóc,
Chia sẻ

Trẻ sơ sinh thường có lớp vảy trên đầu, cũng có bé núm vú lại sưng to hoặc hắt hơi liên tục… khiến bố mẹ lo lắng bé gặp vấn đề về sức khỏe nào đó.

Có thể bạn đã đọc rất nhiều sách về phương pháp chăm sóc trẻ sơ sinh: chế độ dinh dưỡng, các mốc phát triển, cách cho bé ngủ…nhưng khi bé vừa chào đời bạn lại gặp những rắc rối kiểu như: bé liên tục phát ra tiếng kêu kỳ lạ, hình như mắt con bị lác, hình như bé bị thi thoảng bị co giật… Đó có phải là dấu hiệu bệnh lý nào đó?

Đừng quá lo lắng, trẻ sơ sinh có những hiện tượng cơ thể khá đặc biệt nhưng không nguy hiểm. Khi gặp các tình huống như dưới đây bố mẹ hãy bình tĩnh quan sát thêm và nhờ bác sĩ tư vấn nếu cần thiết.

1. Lớp vảy dính trên da đầu

Vấn đề là gì? Không có gì đáng lo ngại mặc dù những vết vảy trên da đầu trông không được thẩm mỹ cho lắm. Nguyên nhân ở đâu? Thật ra hiện nay cũng chưa có lời giải đáp rõ ràng nhưng tin tốt là chúng sẽ dần mất đi trong vài tháng sau sinh (mặc dù có một số bé sẽ lâu hơn). Để những vết “đáng ghét” này “tạm biệt” nhanh hơn bạn có thể bôi dầu em bé lên đầu trẻ 2-3 lần/tuần. Chuyên gia nuôi dạy trẻ kiêm bác sĩ nhi khoa Alanna Levine tại bệnh viện Nhi Orangetown, New York khuyên khi tắm cho bé bạn hãy dùng tay hoặc lược có đầu răng tù xoa nhẹ nhàng lên vùng da bị dính vảy.

Khi nào cần lo lắng? Bạn không cần lo lắng nhiều, có thể coi nó đơn giản như phát ban thông thường. Tuy nhiên nếu mảng vảy bị lan rộng khỏi vùng da đầu và có nguy cơ phát triển nặng hơn, bạn nên gặp bác sĩ để có tư vấn phù hợp với từng trẻ. 

Trẻ sơ sinh 1
Lớp vảy dính trên da đầu là hoàn toàn bình thường và sẽ mất dần theo thời gian.

2. Phân phun ra ngoài

Vấn đề là gì? Có lẽ cho đến khi thực sự bắt tay việc thay tã hay dọn dẹp chất thải của con, bạn mới chính thức trở thành những ông bố bà mẹ chuyên nghiệp. Và chắc chắn rằng bạn không phải là bà mẹ duy nhất trên thế giới đang lau dọn phân của bé dính vào nôi. Theo lời bác sĩ Levine “Phân của trẻ thường ở dạng lỏng, hơi sệt và có kết cấu giống như mù tạt trộn và dĩ nhiên rất dễ để làm sạch”.

Khi nào cần lo lắng? Miễn là phân có màu sắc (trạng thái màu có thể là từ nâu sang xanh lá sang vàng) và lẫn vài dạng hạt lợn cợn thì bạn không cần lo lắng. Tuy nhiên nếu trong phân có dính máu bạn cần đến gặp bác sĩ ngay.

3. Núm vú sưng to

Vấn đề là gì? Bạn có nhớ những thay đổi hóc-môn tác động lên cơ thể mình trong thai kỳ. Và tất nhiên chúng cũng ảnh hưởng lên bé. Một trong số đó là khi mang bầu ngực bạn to hơn bình thường. Sự tiếp xúc của bé với các hoc-mon trong cơ thể mẹ cũng tương tự như vậy và cần thời gian để loại bỏ sự ảnh hưởng này. Đừng quá sốt ruột, nó sẽ tự mất dần theo thời gian.

Khi nào cần lo lắng? Nếu bạn thấy những nốt đỏ quanh ngực trẻ. Bác sĩ Levine khuyên bạn nên kiểm tra nhiệt độ cơ thể để xem liệu có phải bé bị sốt không? Và cha mẹ nên đưa bé đi gặp bác sĩ để kiểm tra.

4. Những tiếng kêu kỳ lạ

Vấn đề là gì? Nếu bạn nghĩ rằng trẻ sơ sinh chỉ tạo ra vài tiếng thủ thỉ hoặc tiếng khóc lớn thì hãy nghĩ lại đi nhé. Chúng tạo ra đủ mọi loại âm thanh vui nhộn mà bạn có thể tưởng tượng được từ rên rỉ, hít hà, gầm gừ. Theo bác sĩ Levine, nguyên nhân là do mũi của bé vẫn còn khá hẹp, dẫn tới chất nhầy bị kẹt bên trong và tạo ra hiệu ứng này. Nếu bạn được nghe khá thường xuyên “bản giao hưởng” âm thanh này, hãy tìm cách vệ sinh và lấy ra phần chất nhầy bên trong bằng dụng cụ hút mũi chuyên dụng.

Khi nào cần lo lắng? Thử quan sát xem bạn có nghe thấy như tiếng lẩm bẩm mỗi khi bé thở không? Nếu vậy, có thể trẻ đang bị khó thở và cần gặp bác sĩ để kiểm tra thêm.

5. Hắt hơi liên tục


Vấn đề là gì? Đừng quên rằng thế giới là hoàn toàn mới mẻ và lạ lẫm với trẻ, vì vậy chúng có thể rất nhạy cảm với những thứ mà bạn đã quen thuộc. Nếu bé có hắt hơi liên tục, nguyên nhân nhiều khi không phải vì bị ốm mà do con đang cố gắng đẩy một vài hạt bụi theo không khí đi vào mũi. Khi bé tiếp xúc với ánh nắng mặt trời hắt hơi giống như một cách để điều chỉnh sự thích nghi chứ không phải do dị ứng. Nguyên nhân thường gặp khác của hiện tượng này là bé đang cố gắng đẩy chất nhầy hoặc thậm chị dịch ối từ đường hô hấp.

Khi nào cần lo lắng? Khi hắt hơi kèm theo thở khò khè, hãy đi gặp bác sĩ để xem liệu con bị dị ứng hay bệnh lý nào khác? Là cha mẹ bạn chắc chắn sẽ muốn biết rằng hơi thở của bé vẫn bình thường, cổ họng không bị tổn thương và phổi vẫn khỏe mạnh để loại trừ bất cứ vấn đề nghiêm trọng nào.

6. Co giật ngẫu nhiên

Vấn đề là gì? Chuyển động giật hay co cứng chân tay có thể khiến bạn lo lắng khi bắt gặp lần đầu, nhưng thông thường đó chỉ là một phản ứng của cơ thể. Trong vài tháng đầu, trẻ sẽ trải qua nhiều phản xạ cơ, một trong số đó là phản xạ giật mình (phản xạ Moro). Bạn có thể nhìn thấy nó ngẫu nhiên hoặc khi bé gặp tiếng động lớn, sau khoảng 3-4 tháng trẻ sẽ bắt đầu quen dần. Khi ngủ trẻ sơ sinh cũng thường bị giật mình thức giấc, bé sẽ ngủ ngon hơn nếu được quấn trong một chiếc chăn.

Khi nào cần lo lắng? Bạn chỉ nên thực sự lo lắng nếu không thấy trẻ có những chuyển động như co cơ, căng người, đó có thể là một dấu hiệu bất thường và cần sự tư vấn của bác sĩ.

7. Hình dạng đầu không bình thường

Vấn đề là gì? Sinh con là một công việc khó nhọc và có phần đau đớn.Tuy nhiên không phải chỉ mình bạn “có công” lớn ở đây đâu nhé, bé cũng phải làm việc “cực nhọc” để theo ống dẫn sinh ra bên ngoài. Sau “hành trình” đó, không có gì lạ khi trẻ bị thâm tím hay nhìn hơi kỳ lạ. Đầu trẻ sơ sinh rất mềm và dẻo nên khi ra ngoài qua xương chậu nó có thể bị dẹt một chút. Sau khi sinh, do nằm nhiều nên phần đầu phía sau cũng rất dễ bị phẳng. Nếu thấy dấu hiệu này, cha mẹ nên bế con trên tay nhiều hơn hoặc như bác sĩ Levine gợi ý, hãy cho bé chơi bằng cách nằm úp bụng khi thức và để con thử với đồ chơi phía trước, như thế sẽ không bị nghiêng về bên nào.

Khi nào cần lo lắng? Nếu bạn đã thử nhiều cách mà tình trạng không được cải thiện, hãy đến gặp bác sĩ nhi khoa. Có thể bé sẽ cần đeo một dạng mũ bảo hiểm chỉnh hình. Thời gian để mũ chỉnh hình phát huy hiệu quả tốt nhất là từ 4-6 tháng sau sinh, vì thế nếu cảm thấy có gì không ổn, bạn nên có biện pháp can thiệp sớm.

Trẻ sơ sinh 2
Để bé chơi bằng cách nằm sấp (tummy time) để đầu không bị bẹt phía sau.

8. Bộ phận sinh dục bị sưng

Vấn đề là gì?
Nếu là bé trai, bạn có thể thấy “quả ớt” của trẻ lớn hơn mình tưởng tượng, cụ thể là bộ phận tinh hoàn. Có gì đó bất thường chăng? Thực tế đó là do bé bị ảnh hưởng bởi các hóc-môn của mẹ từ khi chưa sinh ra hoặc do sự tích tụ chất lỏng xung quanh tinh hoàn. Nếu như vậy nó sẽ đi ra theo đường nước tiểu vài ngày sau đó. Cũng như thế với bé gái, bạn có thể thấy con bị sưng âm hộ, hiện tượng này cũng sẽ nhanh chóng qua đi. Có một thực tế rất thú vị là trong những ngày đầu đời trẻ sơ sinh thậm chí sẽ thải ra một lượng nước thải chiếm tới 10% trọng lượng ban đầu.

Khi nào cần lo lắng? Nếu hiện tượng sưng tấy không biến mất vài ngay sau khi bé chào đời. Cha mẹ sẽ rất dễ nhận ra nếu đó là con trai. Các bé trai có thể bị tràn dịch mang tinh hoàn mà đôi khi có thể mất tới cả năm để điều trị.

9. Máu trong tã của bé


Vấn đề là gì? Sự xuất hiện của một chút máu trong tã có thể khiến bố mẹ cảm thấy cực kỳ lo lắng, đặc biệt là những cha mẹ mới sinh con lần đầu. Có rất nhiều nguyên nhân mà phần lớn là tạm thời. Nếu là con gái, có thể bé vẫn bị ảnh hưởng từ việc tiếp xúc với hoc-mon của mẹ trong tử cung. Đừng lo lắng, phần lớn hiện tượng này sẽ mất dần vài ngày sau sinh - thời gian để chúng được bài tiết ra khỏi cơ thể. Một nguyên nhân khác là do cọ sát với vật có bề mặt thô gây nên vết trầy xước, những vết chảy máu này sẽ nhanh chóng lành lại. Với con trai, phải chăng bé mới cắt bao quy đầu? và đó là máu từ vết thương. Hãy dùng kem dưỡng để làm dịu vết đau và giữ ẩm. Nếu bé bị khó chịu vì hăm tã bạn cũng có thể dùng kem.

Khi nào cần lo lắng? Mặc dù những điều này là hoàn toàn bình thường, nhưng hiếm  cha mẹ nào có thể ngủ yên giấc khi thấy vết máu trong tã của con, vì thế để làm chính mình yên tâm bạn vẫn nên gặp bác sĩ để có lời khuyên thích hợp nhất.

10. Mắt bị lé


Vấn đề là gì? Khi mới sinh ra, hiện tượng mắt bị lác nhẹ là tương đối bình thường. Bé vấn đang cố gắng để mở rộng tầm nhìn và làm quen với việc cảm nhận ánh sáng. Sẽ mất một chút thời gian để trẻ học cách kiểm soát các cơ và trau dồi kỹ năng tập trung. Bạn có thể tin hoặc không, đôi khi bạn thấy như mắt bé đảo qua đảo lại mà thực tế thì không vì mũi hoặc những nếp gấp ở da đã che mất một phần lòng trắng và gây ra một loại ảo giác quang học gọi là pseudoesotropia.

Khi nào cần lo lắng? Theo bác sĩ Levine nếu bé vẫn có hiện tượng lác mắt cho đến tháng thứ 6 bạn cần gặp bác sĩ để kiểm tra. Nếu mắt nhìn theo hai hướng khác nhau, có thể trẻ bị lác hoặc nếu chỉ một mắt chuyển động, có thể bé bị suy giảm thị lực.

(Nguồn: Thebump)
Chia sẻ