“Vì câu nói vô duyên của họ hàng, con trai tôi lo lắng đến mức đi vệ sinh cũng phải mang theo cuốn sách để đọc”

Thanh Hương,
Chia sẻ

Nhìn cách con học, chị Huệ sợ hơn là mừng!

Chị Huệ (Hà Nội) có con trai thi lớp 10 năm nay. Cháu Tiến, con trai chị những năm cấp 2, năng lực học tập ở mức bình thường, không quá nổi trội. Nhưng từ cuối năm ngoái, Tiến nỗ lực học tập, nhiều lần làm bài thi thử đều đạt điểm số tốt. Chính vì vậy trong đợt đăng ký nguyện vọng vào lớp 10, Tiến đã dũng cảm đăng ký vào một trường THPT công lập có mức điểm chuẩn nằm trong top 15 của Hà Nội.

Ban đầu chị Huệ định hướng cho con đăng ký một trường có điểm thấp hơn nhưng thấy quyết tâm và sự nỗ lực của con, vợ chồng chị quay sang ủng hộ con hết mình. “Cả gia đình đang hỗ trợ cháu hết sức, không khí đang vui vẻ thì có người họ hàng nói vô duyên, gây ảnh hưởng tinh thần cháu”, chị Huệ bức xúc kể lại.
Bà mẹ này cho biết, trước đợt nghỉ lễ dài ngày, có người bác bên nhà chồng chị ra thăm. Khi biết chuyện thi cử của cháu Tiến, bà bác liền chẹp miệng bảo: “Thằng này liều nhỉ. Sao không thi trường nào vừa sức ấy. Ngộ nhỡ không đỗ, học dân lập thì lại tốn một đống tiền của bố mẹ”. Chị Huệ cho biết, câu “thằng này liều nhỉ” của họ hàng khiến con trai chị bị căng thẳng tột độ.

“Vì câu nói vô duyên của họ hàng, con trai tôi lo lắng đến mức đi vệ sinh cũng phải mang theo cuốn sách để đọc” - Ảnh 1.

Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 ở Hà Nội được đánh giá căng thẳng hơn cả thi đại học (Ảnh minh hoạ)

Đợt nghỉ lễ, cháu không ngơi tay khỏi cuốn sách một lúc nào. Khi cả nhà đi ăn hàng, cháu cũng không đi mà đòi ở nhà ôn nốt bài. Đến cả lúc đi vệ sinh, cháu cũng… mang sách vào để tranh thủ đọc! Trưa cũng không ngủ, tối thì thức đến 3h sáng.

“Nhìn con học như thế, tôi sợ hơn là mừng. Cảm giác cháu sắp “tàu hoả nhập ma” đến nơi”, chị Huệ nhớ lại. Cho đến chiều qua, khi thấy mắt con đỏ ngầu, đầy những tia máu, chị Huệ quyết định phải nói chuyện với con.

“Tôi nói với con, nếu con không thi đỗ trường mục tiêu thì cũng không sao hết. Bố mẹ hoàn toàn đủ khả năng tài chính để cho con học trường dân lập. Nhiều bạn học trường dân lập nhưng vẫn thi đỗ đại học top. Vả lại con có trượt thì bố mẹ vẫn tự hào vì con dám thử thách bản thân. Điều quan trọng nhất là con phải giữ gìn sức khoẻ, không được tự tạo áp lực cho mình như thế”, chị Huệ chia sẻ.
Tối qua, thấy con đã chịu đi ngủ sớm hơn một chút, bữa ăn cũng ngồi ăn với tâm trạng thoải mái thay vì kè kè cuốn sách bên cạnh, vừa ăn vừa đọc, chị Huệ mới có thể thở phào nhẹ nhõm.

Lớp 10 công lập không phải lựa chọn duy nhất

Theo thống kê sơ bộ của Sở GD&ĐT Hà Nội, số học sinh lớp 9 trên địa bàn thành phố tham gia xét công nhận tốt nghiệp THCS năm học 2023 - 2024 khoảng 135.000 em (tăng 5.000 em so với năm học trước).

Trong số các học sinh tốt nghiệp THCS, tỷ lệ chỉ tiêu đỗ vào lớp 10 các trường công lập năm nay khoảng 60%. Còn lại các em có thể chọn theo học tại các trường THPT tư thục, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trường cao đẳng.

Thực tế, lớp 10 công lập có thể là lựa chọn tốt nhất nhưng không phải lựa chọn duy nhất để các em học sinh theo đuổi việc học. Hiện nay trên địa bàn Hà Nội có rất nhiều trường tư có chất lượng đào tạo tốt, đáp ứng được nhu cầu của học sinh, phụ huynh. Bên cạnh đó, học sinh công lập và tư thục đều bình đẳng trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học.

Nếu theo học tại các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, các em được học nghề song song chương trình văn hóa, sau ba năm vừa lấy bằng trung cấp, vừa tốt nghiệp THPT,…

Con đường phía trước còn rất dài, quan trọng nhất là cha mẹ đồng hành, giúp con ổn định tâm lý để xây dựng kế hoạch tương lai.

Chia sẻ